Lưu ý bảo dưỡng máy phát điện công nghiệp chạy dầu

Máy phát điện bị quá tải

Máy phát điện công nghiệp chạy dầu đóng một vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và ứng dụng khác nhau và dần trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu suất liên tục và tuổi thọ của máy phát điện chạy dầu, việc bảo dưỡng định kỳ là một yếu tố không thể thiếu. Vậy thì đâu là những lưu ý quan trọng để bảo dưỡng chúng?

Vì sao cần bảo dưỡng máy phát điện công nghiệp chạy dầu?

Bất kỳ thiết bị nào, sau một thời gian sử dụng đều cần phải trải qua quá trình bảo trì, bảo dưỡng, không chỉ riêng máy phát điện công nghiệp chạy dầu để đảm bảo tuổi thọ của những bộ phận bên trong thiết bị đó. Máy phát điện chạy dầu thường được cài đặt để cung cấp nguồn điện trong trường hợp cắt điện hay mất nguồn, và sự không hoạt động của máy phát điện có thể gây ra sự cố nghiêm trọng và gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp hoặc hệ thống. Bảo dưỡng định kỳ giúp đảm bảo máy phát điện sẽ luôn sẵn sàng khi cần.

máy phát điện Cummins chính hãng 50kva

Quá trình bảo dưỡng định kỳ máy phát điện công nghiệp giúp làm sạch bộ phận và linh kiện, giúp cải thiện hiệu suất của máy phát điện và kéo dài tuổi thọ của nó. Các bộ lọc sạch và dầu mới cũng giúp ngăn ngừa sự hao mòn và giảm ma sát, làm cho máy phát điện hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, máy phát điện công nghiệp chạy dầu có thể tạo ra khí thải và tiếng ồn gây hại cho môi trường. Quy trình bảo dưỡng định kỳ giúp đảm bảo máy phát điện hoạt động với khả năng tối ưu, giảm thiểu tiếng ồn và tiết kiệm nhiên liệu, giúp bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn môi trường.

Lịch kiểm tra định kỳ máy phát điện công nghiệp chạy dầu

Thông thường, sau thời gian hoạt động nhất định, bạn nên thực hiện kiểm tra tổng quan toàn bộ hệ thống các bộ phận, thiết bị của máy phát điện công nghiệp chạy dầu, để đảm bảo phát hiện kịp thời những sự cố, những trục trặc có thể xảy ra đối với thiết bị phát điện của bạn. 

máy phát điện công nghiệp chạy dầu

  • Xem xét rò rỉ của hệ thống nhớt, dầu diesel, nước làm mát và hệ thống khí xả. Kiểm tra bằng cách quan sát hệ thống khí xả khi máy đang hoạt động và khắc phục ngay lập tức nếu bị rò rỉ: hàng tuần (sau 50 giờ hoạt động).
  • Kiểm tra mực nhớt, mực dầu, mực nước làm mát, bộ sưởi nóng nước và hệ thống nạp ắc quy: hàng tuần (sau 50 giờ hoạt động).
  • Kiểm tra lọc gió (Lưu ý bảo trì thường xuyên nếu máy hoạt động trong tình trạng nhiều bụi): hàng tuần (sau 50 giờ hoạt động).
  • Xả nước khỏi lọc dầu (Tham khảo sổ tay vận hành và thực hiện xả khoảng một ca dầu nhiên liệu để loại bỏ nước và chất cặn): hàng tuần (sau 50 giờ hoạt động). 
  • Kiểm tra mực dầu, hệ thống ắc quy và đường thoát khí két nước cũng như thực hiện xả nước trong của bô ống xả: hàng tháng (sau 100 giờ hoạt động).
  • Kiểm tra độ căng của dây curoa (Tham khảo thông số trong sổ tay vận hành và kiểm tra độ mòn, độ trượt của dây curoa): hàng tháng (sau 100 giờ hoạt động).
  • Kiểm tra lồng nước làm mát (dựa trên sổ tay vận hành): hàng tháng (sau 100 giờ hoạt động).
  • Kiểm tra ống mềm két nước: 6 tháng (sau 250 giờ hoạt động).
  • Thay lọc nước làm mát, làm sạch ống thông hơi buồng nhớt và thay dầu lọc bôi trơn (tham khảo sổ tay vận hành để thực hiện): 6 tháng (sau 250 giờ hoạt động).
  • Thay nhớt và lọc nhớt: Nếu máy phát hoạt động ở chế độ liên tục, thay nhớt và lọc mỗi 6 tháng hoặc 250 giờ, tùy theo điều kiện nào đến trước. Còn nếu máy hoạt động ở chế độ dự phòng, thay nhớt và lọc sau mỗi 12 tháng hoặc 250 giờ, tùy theo điều kiện nào đến trước. Với lọc gió, thay thế sau mỗi 24 tháng hoặc 1000 giờ, tùy điều kiện nào đến trước.
  • Làm sạch hệ thống làm mát: 1 năm (sau 500 giờ hoạt động).
  • Kiểm tra điện trở cách điện (Quy trình này phải được tuân thủ định kỳ trong suốt tuổi thọ làm việc của máy phát. Nên liên hệ với trung tâm bảo trì máy): 1 năm (sau 500 giờ hoạt động).

XEM THÊM: Máy nước nóng năng lượng mặt trời tấm phẳng Supergreen 300L.

Lưu ý quy trình chi tiết bảo dưỡng máy phát điện công nghiệp chạy dầu

Kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống bôi trơn (nhớt)

Trong quá trình hoạt động, máy phát điện công nghiệp chạy dầu không tránh khỏi bị bụi bẩn, nước hay các chất bẩn khác xâm nhập vào hệ thống bôi trơn, gây ra hiện tượng ăn mòn hay làm tắc nghẽn các bộ phận khác, gây trì trệ đến hoạt động của máy phát điện, đặc biệt là làm hao mòn động cơ phát điện một cách nhanh chóng. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo hệ thống bơm dầu cần hoạt động đúng cách để cung cấp dầu bôi trơn đều đặn và hiệu quả. Lượng nhớt quá ít sẽ có thể gây hư hỏng nghiêm trọng cho động cơ hay quá đầy có thể gây ra mức tiêu thụ nhớt quá cao, gây tiêu tốn nhiên liệu. Hãy kiểm tra bơm dầu, đường ống và các linh kiện khác liên quan để đảm bảo rằng không có rò rỉ hoặc trục trặc nào xảy ra.

Lưu ý, trước khi kiểm tra, hãy chuyển công tắc ngắt mát ắc quy sang chế độ “OFF” hoặc ngắt kết nối cáp âm (-) khỏi ắc-quy để tránh khởi động ngẫu nhiên.

Bước cuối cùng là thực hiện thay thế dầu bôi trơn và lọc dầu bôi trơn. Lịch thay dầu bôi trơn và lọc dầu bôi trơn thường thực hiện sau 6 tháng (hoặc 250 giờ hoạt động) của máy. Tuy nhiên cũng có thể thay đổi do điều kiện môi trường hoạt động quá nóng hoặc quá nhiều bụi. 

  • Bước 1: Chạy máy phát điện trong hai, ba phút cho máy ấm và tắt máy trước khi thay.
  • Bước 2: Đặt một cái chảo dưới nút xả nhớt. Chảo có dung tích đủ lớn để chứa toàn bộ nhớt sắp được xả ra từ động cơ. (Lúc này tháo nút xả nhớt).
  • Bước 3: Tháo nắp đổ dầu bôi trơn và nút xả nhớt để xả hết nhớt ra khỏi động cơ.
  • Bước 4: Lắp lại nút xả nhớt.
  • Bước 5: Tháo lọc nhớt và xả hết nhớt ra khỏi lọc.
  • Bước 6: Lau kỹ bề mặt – chỗ lắp bộ lọc nhớt và tháo miếng đệm cũ nếu nó không ra cùng bộ lọc.
  • Bước 7: Khi lắp bộ lọc nhớt mới vào động cơ, cần đảm bảo miếng đệm mới nằm đúng vị trí trên bộ lọc và bôi một lớp nhớt sạch mỏng lên miếng đệm. Quay bộ lọc mới bằng tay cho đến khi miếng đệm vừa chạm vào bề mặt lắp và quay bộ lọc thêm 1/2 đến 3/4 vòng.
  • Bước 8: Đổ đầy dầu bôi trơn vào động cơ (xem dung tích dầu trên catalogue tổ máy hoặc động cơ). Kiểm tra mức nhớt và thêm hoặc xả bớt nếu cần.
  • Bước 9: Vặn chặt nắp đổ nhớt. Sau đó vứt bỏ nhớt và bộ lọc nhớt đã qua sử dụng theo quy định về môi trường của địa phương.

Bảo dưỡng hệ thống nhiên liệu

Hệ thống nhiên liệu chính là nguồn cung cấp nhiên liệu cho động cơ của máy phát điện công nghiệp chạy dầu, và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hiệu suất và khả năng cung cấp điện năng ổn định của thiết bị.

Bước 1: Kiểm tra hệ thống nhiên liệu

  • Kiểm tra rò rỉ ở ống mềm, ống dẫn và phụ kiện đường ống trong hệ thống cung cấp nhiên liệu khi tổ máy phát điện đang chạy và trong khi dừng.
  • Kiểm tra các phần ống dẫn nhiên liệu mềm xem có vết cắt, vết nứt, vết mài mòn và kẹp ống bị lỏng không.
  • Đảm bảo rằng đường dẫn nhiên liệu không cọ xát với các bộ phận khác của xe hoặc tổ máy phát điện.
  • Thay thế các bộ phận đường dẫn nhiên liệu bị mòn hoặc bị hỏng trước khi xảy ra rò rỉ.
  • Nên đổ đầy nhiên liệu vào bồn (bình). Việc giữ đầy bình làm giảm sự ngưng tụ nước và giúp nhiên liệu mát hơn, điều này rất quan trọng đối với hiệu suất của động cơ.
  • Nếu động cơ được trang bị bộ tách nước nhiên liệu, hãy xả hết nước tích tụ. Nước trong nhiên liệu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của động cơ và có thể gây hỏng động cơ.

Lưu ý: Đặc biệt lưu ý kiểm tra khả năng hệ thống nhiên liệu có bị rò rỉ hay không. Rò rỉ nhiên liệu diesel có thể dẫn đến hỏa hoạn. Không được vận hành máy phát điện nếu có hiện tượng rò rỉ nhiên liệu.

Bước 2: Thay lọc nhiên liệu

Nhiên liệu dầu diesel là nhiên liệu dễ bắt lửa và có thể gây thương tích nặng hoặc tử vong. Vì thế trong quá trình thay lọc nhiên liệu, bạn đặc biệt lưu ý không nên hút thuốc gần thùng nhiên liệu hoặc thiết bị đốt nhiên liệu, hoặc ở những khu vực có chung hệ thống thông gió với các thiết bị đó. Tránh xa ngọn lửa, tia lửa và tất cả các nguồn bắt lửa khác.

  • Làm sạch khu vực xung quanh đầu bộ lọc nhiên liệu.
  • Tháo bộ lọc nhiên liệu bằng cách vặn bộ lọc ngược chiều kim đồng hồ với cờ lê bộ lọc. (Bỏ bộ lọc đã sử dụng.)
  • Tháo gioăng cao su của bộ lọc nếu nó còn bám ở đế lọc (trên động cơ).
  • Sử dụng một miếng vải sạch (không có xơ vải) để làm sạch phần đầu đế lọc (trên động cơ).
  • Lắp gioăng cao su (đi kèm) lên bộ lọc nhiên liệu mới.
  • Đổ đầy nhiên liệu sạch vào bộ lọc mới. Bôi một lớp nhiên liệu mỏng lên gioăng cao su.
  • Lắp bộ lọc vào đế bộ lọc trên động cơ.
  • Vặn chặt bộ lọc cho đến khi miếng đệm tiếp xúc với bề mặt đầu bộ lọc.
  • Vặn chặt bộ lọc thêm từ một nửa đến ba phần tư vòng bằng cờ lê bộ lọc. 

Bảo dưỡng hệ thống làm mát

Hệ thống làm mát cần được kiểm tra mức nước làm mát hàng tuần, thường là sau 50 giờ hoạt động và trước khi khởi động máy phát điện công nghiệp chạy dầu. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý và ghi nhớ một số thông tin dưới đây về hệ thống làm mát.

  • Mức nước làm mát cần cách miệng nắp két nước khoảng 50cm. 
  • Cần kiểm tra cảm biến nhiệt độ nước làm mát (gắn trên két nước). Nếu cảm biến không hoạt động sẽ không thể đưa tín hiệu cảnh báo về màn hình điều khiển. Máy sẽ không tự động dừng khi nhiệt độ nước (chính là nhiệt độ động cơ) tăng cao – có thể gây hư họng nặng cho máy.
  • Loại nước làm mát: Phải sử dụng loại nước sạch, chứa ít khoáng chất và không chứa bất cứ hóa chất ăn mòn nào như chloride, sulfat hoặc axit.
  • Dung dịch chống đông cặn pha với nước theo tỉ lệ 1/20, có thể sử dụng dung dịch của Fleetguard/DCA65L – loại đóng bằng can bán sẵn trên thị trường.

Các bước bảo dưỡng hệ thống làm mát của máy phát điện công nghiệp chạy dầu:

  • Bước 1: Giảm áp suất còn lại trong két nước bằng cách xoay từ từ nắp (không ấn xuống).
  • Bước 2: Khi áp suất đã được giảm bớt, ấn nắp xuống và vặn hết phần còn lại để rút ra.
  • Bước 3: Tháo van xả (phía dưới) để xả hoàn toàn nước ra ngoài.
  • Bước 4: Xả và làm sạch két nước trước khi nạp lại. Làm theo hướng dẫn cách làm sạch trên sản phẩm.
  • Bước 5: Lắp nút xả nước làm mát bằng chất bịt kín ren ống. Vặn chặt vừa đủ để tránh rò rỉ khi tổ máy phát điện đang chạy và đã nóng lên.
  • Buớc 6: Đổ đầy nước làm mát đã được pha với dung dịch chống đông cặn đến khi đầy két nước.
  • Bước 7: Khởi động và chạy máy phát điện trong vài phút rồi tắt máy. Để không khí bị nhốt bên trong két nước sẽ được tống ra ngoài. Kiểm tra lại mức nước và đổ thêm nếu cần.
  • Bước 8: Vặn chặt nắp két nước.
  • Bước 9: Xúc rửa và làm sạch két nước

Bảo trì hệ thống xả khói

  • Bước 1: Quan sát và lắng nghe rò rỉ của hệ thống xả trong khi máy phát điện công nghiệp chạy dầu đang chạy. Tắt tổ máy phát điện nếu phát hiện thấy rò rỉ và sửa chữa trước khi vận hành.
  • Bước 2:  Thay thế các phần ống xả bị móp, cong hoặc rỉ sét nghiêm trọng và khí thải phải được thoát hoàn toàn ra ngoài phòng đặt máy phát điện. 

Bảo trì hệ thống lọc khí 

  • Bước 1: Nới lỏng và tháo ốc siết giữ bầu lọc.
  • Bước 2: Tháo lõi lọc gió ra khỏi bầu lọc.
  • Bước 3: Dùng súng hơi (tối đa 500 kPA – 5 bar) có gắn vòi phun của máy nén khí để làm sạch lõi lọc. Di chuyển đầu phun lên xuống và thổi khí từ trong ra cho đến khi sạch bụi bám ở các nếp gấp trên bộ lõi lọc.
  • Bước 4: Kiểm tra lõi lọc: Trước khi lắp lại hộp mực, nó phải được kiểm tra xem có bị hư hỏng không, ví dụ: các nếp gấp giấy và các miếng đệm cao su, hoặc các chỗ phồng và lõm… Nếu lõi lọc thì không được dùng lại mà phải thay lõi lọc mới.
  • Bước 5: Gắn lại lõi lọc như vị trí ban đầu và lắp lại nắp của bầu lọc.

Bảo trì dây curoa 

  • Kiểm tra điều kiện: Kiểm tra dây đai xem có vết nứt, dầu, quá nhiệt và mòn không.
  • Kiểm tra bằng tay: Dùng tay ấn mạnh vào dây đai, nếu độ võng của dây đai bằng hoặc nhỏ hơn độ dày của nó là dây đai còn hoạt động được.

Bảo dưỡng hệ thống ắc quy

  • Bước 1: Vệ sinh để vỏ ắc quy và các cực luôn sạch sẽ và khô ráo.
  • Bước 2: Đảm bảo cọc bình ắc quy và cáp được kết nối chặt chẽ. Kết nối lỏng hoặc bị ăn mòn có điện trở cao khiến cho việc khởi động máy phát điện công nghiệp chạy dầu gặp khó khăn. Phủ một lớp mỏng mỡ bò cách điện sẽ làm chậm ăn mòn ở các đầu cực.
  • Bước 3: Với bình ắc-quy khô nếu “mắt bình” báo màu Xanh thì bình hoạt động tốt, báo màu Đen cần thay thế ngay. Còn với ắc quy nước cần kiểm tra mức dung dịch chất điện phân ở mức thích hợp (cao hơn tấm cực), nếu thiếu cần bổ sung bằng nước tinh khiết. Kiểm tra nồng độ dung dịch bằng tỷ trọng kế và sạc lại nếu tỷ trọng thấp hơn 1.26.
  • Đảm bảo đầu nối nào là cực dương (+) và cực âm (-) trước khi thực hiện kết nối ắc-quy, luôn tháo cáp âm (-) trước và kết nối lại lần cuối để giảm phóng điện hồ quang của máy phát điện công nghiệp chạy dầu.

Xem thêm: Gợi ý mẫu máy phát điện dự phòng phù hợp với khu công nghiệp

CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ MAKAWA 

  • Trụ sở chính: Handico Tower Phạm Hùng, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Văn phòng Đà Nẵng: 33 Hoàng Hoa Thám, Tân Chính, Thanh Khê, Đà Nẵng
  • Văn phòng TP. HCM: 31 Lê Duẩn, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng Đắk Lắk: 71C Trần Phú, Thắng Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
  • Email: info@makawa.vn
  • Địa chỉ nhà máy: KCN Công Nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, Huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Website: https://makawa.com.vn/
  • Hotline: 0985 898 950

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

**hangupdate**